Bộ Y Tế trực tiếp chỉ đạo về phòng chống dịch sốt xuất huyết

Ngày 29/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế vừa có quyết định thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2015 tại 20 tỉnh, thành phố.

Các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Đắk Lắk và Gia Lai.

Mỗi đoàn gồm 3 hoặc 4 thành viên sẽ đi kiểm tra, chỉ đạo tại 2 tỉnh, thành phố. Các đoàn sẽ làm việc với lãnh đạo sở y tế, văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh về các hoạt động triển khai công điện số 1632/CĐ-TTg ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết tập trung vào các biện pháp giảm mắc, giảm tử vong, công tác tuyên truyền và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương.




Dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng tại một số địa phương Ảnh Internet

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có công điện khẩn số 7178/BYT-DP gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, Ủy ban Nhân dân các cấp tại địa phương trực tiếp chỉ đạo các đơn vị ngành y tế phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) thông qua các hoạt động vệ sinh môi trường, xử lý dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

Các hoạt động này được duy trì 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.

Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên điện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất xử lý triệt để khi phát hiện các ổ dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Nhiệt đới TW

Các cơ sở điều trị tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; đặc biệt làm tốt việc phân loại, tư vấn, điều trị bệnh nhân tại các đơn bị y tế cơ sở và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng chuyển tuyến muộn dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng chống dịch; đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động

Theo GS.TS Vũ Sinh Nam, chuyên gia cao cấp - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, ngành y tế đang có dự án thử nghiệm thả muỗi có thể kháng lại bệnh sốt xuất huyết.

Dự án thử nghiệm thả muỗi để có thể kháng lại bệnh sốt xuất huyết đang thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên, Khánh Hoà.

Theo GS.TS. Vũ Sinh Nam, thành viên nghiên cứu dự án “tiêm vắc-xin cho muỗi” cho biết, đến thời điểm này, quần thể muỗi Wolbachia (muỗi này mang vi khuẩn Wolbachia - loại vi khuẩn ngăn cản sự phát triển của virus sốt xuất huyết) đang phát triển và đang dần thay thế quần thể muỗi hoang dại. Đặc biệt, theo kết quả giám sát ca bệnh mắc sốt xuất huyết từ giữa năm 2014 đến nay, tại đảo Trí Nguyên không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tập trung hay ca mắc.

Chính vì lý do này, các nhà khoa học cho rằng, việc sử dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không khác gì việc “tiêm vắc-xin cho muỗi”.

“Nếu dự án này thành công sẽ mở rộng việc áp dụng phương pháp này tới TP.Nha Trang và cả nước, góp phần tích cực cho công tác phòng chống sốt xuất huyết”, GS.TS. Vũ Sinh Nam cho hay.

Thái Bình
Previous
Next Post »
0 Komentar